Nở rộ dịch vụ ‘tôi uống bạn lái’ và nỗi khổ khó nói của tài xế

Ngồi trên xe, nhiều người say la mắng, khóc lóc, làm các hành động thiếu kiểm soát nhưng tài xế phải nhẫn nhịn.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo đó, những người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là vi phạm, phải chịu xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP mới ban hành.

Từ hôm đó đến nay, dịch vụ đưa người say về nhà của công ty anh Trần Nhật Trường (Quận 12, TP.HCM) ‘ăn nên làm ra’. Anh Trường cho biết, công ty anh hoạt động bên lĩnh vực vận tải, có tổng cộng gần 400 tài xế.

Từng chứng kiến nhiều câu chuyện bi ai khi tham gia giao thông của những người uống say, năm 2016, anh quyết định mở dịch vụ: ‘Bạn uống tôi lái’.

Người sử dụng dịch vụ này chỉ cần vào app cung cấp địa điểm đang uống rượu, bia, nơi ở, thời gian, lựa chọn tài xế. Bên anh Trường sẽ cam kết lựa chọn một tài xế tốt, thành thạo giải quyết các tình huống của người say gây ra, đưa khách và xế hộp của họ về nhà.

‘Mở dịch vụ này chúng tôi muốn tạo thêm thu nhập cho các tài xế, vì thế, các tài xế phải cam kết đảm bảo an toàn cho khách’, anh Trường thông tin.

Anh Trường cho biết, khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP chưa có hiệu lực, dịch vụ bên anh rất ít khách. Họ là những người người giàu, có chức quyền hoặc muốn được an toàn về nhà khi say.

‘Từ ngày 1/1 đến nay, nhiều khách gọi đến đặt dịch vụ lắm. Nếu như trước đây, bên tôi chỉ có 20 người/ngày thì giờ hơn 100 người/ngày’, anh Trường thông tin.

Giải thích về lý do dịch vụ này chỉ ‘nở rộ’ từ mấy hôm nay, anh Trường cho biết, do bên anh không quảng cáo rầm rộ, chỉ phục vụ các khách quen, rồi làm việc theo kiểu truyền miệng. Một phần, khi Nghị định 100 chưa có hiệu lực, nhiều người say bất chấp nguy hiểm lái xe về.

Anh Nguyễn Lê Như Vũ, giám đốc một công ty vận tải ở Quận 9 cũng mở dịch vụ đưa người say về nhà được 2 năm, nhưng lượng khách gọi đến nhiều mới từ hôm 1/1.

Từ ngày 1/1, cứ tối đến anh Vũ trực điện thoại, theo dõi app để khách gọi sẽ kịp thời trả lời. 30 tài xế công ty anh Vũ có tay nghề, bằng lái đầy đủ, đã được đào tạo những kỹ năng ứng phó với người say cũng túc trực ở công ty hoặc gần các quán nhậu, nhà hàng… để khi có người gọi sẽ đáp ứng nhanh yêu cầu.

Anh Vũ cho biết, giá dịch vụ này cao gấp đôi so với dịch vụ vận chuyển thông thường. Ví dụ, giá taxi thông thường 10.000 đồng/km thì dịch vụ này là 20.000 đồng/km. Nguyên nhân theo anh Vũ đưa ra là do tài xế phải làm việc vào đêm khuya, có khi 1-2 giờ sáng vẫn phải làm việc.

Ngoài ra, khi đưa người say và tài sản của họ về nhà, người tài xế ngoài có sức khỏe, bằng lái, kinh nghiệm lái xe còn phải có những kỹ năng và sự chịu đựng đặc biệt. ‘Người say họ ói lên xe thì phải lau dọn. Họ trúng gió trên đường thì mình phải biết cách cấp cứu kịp thời.

Người say rượu, bia cũng thường không kiểm soát được việc làm của mình, ngồi trên xe họ la mắng, khóc lóc, làm các hành động thiếu kiểm soát, tài xế phải chịu đựng, nóng lắm cũng phải kiềm chế.

Đau đầu nhất là những người say quên cả địa chỉ nhà mình, số điện thoại của người thân. Tài xế lúc đó phải chờ họ ngủ một lúc cho tỉnh rồi mới chở họ về được. Sau khi đưa người say và xế hộp của họ về an toàn, tài xế còn phải bắt xe về nhà của mình’, anh Vũ nói.

Anh Trường thì lo lắng, dịch vụ này sẽ chỉ ‘nở rộ’ trong thời gian ngắn, khi các thông tin lắng xuống thì đâu lại vào đó. Có nghĩa rằng, khi cảnh sát giao thông không còn kiểm tra chặt nữa thì người say lại lách luật, tự lái xe khi đã có hơi men.

‘Nghị định 100 có hiệu lực là rất tốt và là một yếu tố giúp giảm tình trạng nhậu quá tải, ép uống vô lý. Nhưng tôi nghĩ, cần phải làm nghiêm và xuyên suốt thì mới có tính răn đe, giúp bài trừ được những chuyện không đáng do rượu, bia gây ra’, anh Trường nói.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng, tước GPLX đến 24 tháng, còn với người điều khiển xe máy, mức phạt nặng nhất từ 6-8 triệu đồng, tước GPLX đến 2 năm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *